Giới, Giới tính và phân biệt đối xử về giới trong giáo dục học sinh (Kiều Diễm)

Lượt xem:

Đọc bài viết

GIỚI, GIỚI TÍNH VÀ PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ VỀ GIỚI TRONG GIÁO DỤC HỌC SINH

— Kiều Thị Thúy Diễm, TTCM Khoa học Tự nhiên–

Vấn đề về giới, giới tính, phân biệt đối xử về giới chúng ta nghe rất nhiều. Và trong xã hội ngày nay chúng ta luôn cho rằng đã bình đẳng giới nhưng thực tế hiện nay bất bình đẳng giới đang tồn tại và diễn ra trên phạm vi toàn cầu, vẫn còn có một số nơi  trên thế giới nữ giới chưa được bình đẳng với nam giới cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và pháp luật. Và vấn đề về giới, giới tính chúng ta cũng chưa hiểu hết nên đã dẫn đến kì thị giới. Vì thế trong hoạt động giáo dục và dạy học chúng ta cần lồng ghép vào để giáo dục học sinh hiểu biết thêm về giới và thay đổi dần quan điểm về giới để có một xã hội thực sự bình đẳng giới.

Vậy trước hết chúng ta cần phải hiểu giới là gì? Giới tính là gì?

– Giới: Để chỉ đặc điểm, vị trí, vai trò của nam và nữ trong tất cả các mối quan hệ. Ví dụ: Người ta thường cho rằng nam giới phải mạnh mẽ, quyết đoán, làm các công việc nặng nhọc như cày bừa, xây dựng, khai thác… Nữ giới phải dịu dàng, cẩn thận, chịu khó, công việc nhẹ nhàng như nội trợ, cấy gặt, giáo viên, thư kí…

Song trên thực tế có nhiều nữ giới mạnh mẽ như nam giới.

Từ đó ta thấy được rằng giới tính là bất biến, còn giới không phải là bất biến có thể thay đổi theo thời gian giữa các nền văn hóa khác nhau hoặc trong cùng một nền văn hóa tùy thuộc vào sự phát triển kinh tế xã hội và các yếu tố khác. Và đây cũng chính là yếu tố khác biệt về giới giữa nam và nữ.

– Giới tính: Chỉ các đặc điểm sinh học của nam và nữ (về cấu tạo cơ thể, đặc điểm sinh lí, chức năng sinh sản). Ví dụ: Ở nữ có buồng trứng, tử cung, kinh nguyệt, mang thai, sinh con, có sữa cho con bú. Còn ở nam có dương vật, tinh hoàn và sản xuất tinh trùng.

– Qúa trình xã hội hóa giới diễn ra liên tục hình thành hai khuôn mẫu về người nam giới và nữ giới với những chuẩn mực về giá trị và vai trò khác nhau. Ngay từ khi sinh ra và trong suốt quá trình lớn lên thông qua sự giáo dục và trải nghiệm xã hội những bé trai, bé gái phải nhập tâm quan niệm và học hỏi theo những khuôn mẫu mong đợi của xã hội về đặc điểm và vai trò giới của mình.

Ví dụ: Trong gia đình con trai phải trở thành trụ cột gia đình nên được cha mẹ dạy tính mạnh mẽ, quyết đoán, độc lập. Con gái biết lo toan công việc gia đình nên cha mẹ dạy tính cẩn thận, tỉ mỉ, chịu khó nên thường công việc như nội trợ, may vá, thêu thùa… và dần dần bé trai và bé gái trở thành mẫu hình khuôn mẫu, đây không phải khi sinh ra đã có mà do xã hội, cộng đồng mong đợi.

– Khuôn mẫu giới đã hình thành “nam tính” và “ nữ tính” tạo áp lực trong việc lựa chọn môn học, nghề nghiệp, tiềm năng, cá tính mỗi cá nhân dẫn đến việc nhìn nhận sai lệch về giới. Từ đó cũng dẫn đến định kiến về giới, phân biệt đối xử về giới.

Ví dụ: Thường ta suy nghĩ nữ là yếu ớt, dễ bị tổn thương cần được bảo vệ, phải đẹp, dễ thương, có tính phụ thuộc, có năng lực nuôi dưỡng và có tính phục tùng. Còn với nam thì mạnh mẽ, có năng lực, đánh giá cao về trí tuệ, thành đạt, có tính độc lập, có năng lực cạnh tranh, quyết đoán, nóng nảy hay gây gổ.

– Định kiến về giới phản ánh không khách quan, không công bằng, không đúng đặc điểm và năng lực mỗi giới. Vì trên thực tế nam nữ đều có khả năng làm lãnh đạo, nấu ăn giỏi, nội trợ, chăm sóc gia đình tốt.

– Phân biệt đối xử về giới là việc hạn chế loại trừ, không công nhận hoặc không coi trọng vai trò vị trí của nam và nữ gây bất bình đẳng giới giữa nam và nữ trong các lĩnh vực đời sống xã hội và gia đình.

Ví dụ: Học sinh nữ có thể đá bóng nhưng không được khuyến khích, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kĩ thuật công nghệ cao thì tuyển nam, ít tuyển nữ, nam thì không được ưu tiên trong tuyển dụng thư kí, giáo viên mầm non…

– Chính những định kiến đó mà trong một số ngành nghề nam giới và nữ giới không có sự chia sẻ với nhau, không phát huy được năng lực thực chất của họ.  Thực tế hiện nay bất bình đẳng giới diễn ra trên toàn cầu, vì vậy cần lồng ghép những kiến thức về giới trong các hoạt động giáo dục học sinh là rất cần thiết, để  thế hệ các em tiếp tục thay đổi cách suy nghĩ rập khuôn để phát huy năng lực của mình một cách tốt nhất. Trong quá trình dạy học và giáo dục hay tổ chức hoạt động học tập và trải nghiệm cho học sinh giáo viên cần phải thấu hiểu và tôn trọng sự đa dạng về giới, thầy cô luôn có nhạy cảm tinh tế về giới trong các hoạt động giáo dục của lớp, trường để nhận diện và tích cực xóa bỏ các khuôn mẫu giới, định kiến và sự phân biệt đối xử về giới trong các hoạt động giáo dục cũng như trong hoạt động dạy và học hằng ngày để tạo môi trường công bằng bình đẳng cho mỗi học sinh.