Truyện ngắn: CÔ ƠI (Thúy Nga)
Lượt xem:
Đặt những bước chân rảo quanh đường phố nhộn nhịp. Hà Nội trời nay có gió về, ngọn gió nhè nhẹ vuốt qua từng đám lá nghe xào xạc, trên trời từng mảng mây lơ đãng trôi lang thang cho tôi cảm giác bình yên đến lạ. Trong tâm trí tôi là một dòng kí ức tấp nập về bên, hình ảnh của ngôi trường cấp ba thân thương thoáng hiện trong tâm trí tôi…
Tôi vẫn nhớ như in cái ngày ấy, ngày mà tôi còn đặt những bước chân ngập ngừng vào lớp 10. Hình ảnh của một cô giáo trước mắt tôi: cô Thanh, cũng là người dìu dắt chúng tôi suốt 3 năm ngắn ngủi. Không như những vần thơ, câu văn hoa mĩ trong những bài văn tả về cô giáo, cô Thanh của chúng tôi có dáng người mảnh khảnh, làn da sạm nắng và nụ cười rất tươi. Hình ảnh ấy với tôi đẹp đến kì lạ.
Ngày hôm nay, một ngày quan trọng. Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11, cũng là ngày sinh nhật cô. Kì diệu thay đó cũng là ngày mà tôi ra đời. Có lẽ chỉ là một sự trùng hợp rất ngẫu nhiên nhưng dẫu sao với tôi nó cũng rất đặc biệt.
Tôi vẫn nhớ nguyên vẹn căn nhà gỗ nhỏ của cô ở cuối ngõ, chỉ cách chừng nhà tôi vài bước chân. Vô tình như thế, cô trở thành người bạn, người hàng xóm đáng kính của tôi. Cứ hễ có dịp gì đặc biệt, cô lại ghé qua nhà chơi và chỉ dạy cho tôi nhiều điều.
Lần sinh nhật thứ 15 của tôi, cô bận không đến được.
Lần sinh nhật thứ 16 của tôi, cô đến chúc mừng và lại còn tặng thêm một quyển sổ tay rất đẹp. Điều đó khiến ngày này với tôi trở thành ngày đặc biệt nhất trong 16 cái sinh nhật đã diễn ra.
Năm sau nữa, tôi tròn 17 tuổi, cô cũng bước sang ngưỡng tuổi 40…
Cho đến khi tôi ra trường, khoảng thời gian dài ba năm đại học Sưu Phạm thật sự rất khắc nghiệt với tôi. Có những buổi tối mịt cả lối về, sương giăng thành từng mảng bủa vây quanh con phố, tôi vẫn rao những bước chân chậm chạp, nhẹ nhàng lang thang về nhà. Rồi lại vu vơ nhớ về thời cấp ba tinh nghịch, thời học sinh ngô nghê. Rồi lại chợt buồn vu vơ không rõ lí do, sâu trong tâm can có cái gì đó nhoi nhói, nghèn nghẹn…
Thời gian trôi nhanh quá!
Lại sắp đến ngày đặc biệt ấy rồi… tôi giờ vẫn như thế, vẫn không hề thay đổi, từ mái tóc ngắn ngang vai đã để sáu, bảy năm trời; từ thói quen nghe radio hay dạo phố…
Cô Thanh cũng vẫn thế, vẫn luôn vẹn nguyên trong tôi một hình ảnh không thể phai mờ. Nhưng giờ đây chỉ khác một điều, tôi không còn được nghe giọng nói ấm áp của cô, không còn được nhìn thấy nụ cười của cô như ngày nào nữa rồi. Xin lỗi cô vì giờ đây, điều đứa học trò này làm là chỉ có thể ngắm cô qua tấm ảnh nhỏ thôi…
Đời người có rất nhiều cuộc gặp gỡ, có khi chỉ cần một lời hẹn, một cuộc gọi, một vé máy bay. Nhưng cũng có những người muốn gặp nhau phải qua cỗ máy thời gian tìm về kí ức mới có thể gặp lại…
Tôi thật sự cảm thấy mình thật có lỗi…
Xin lỗi cô, ngày này của tám năm về trước, đứa học trò nhỏ bé này của cô đã mạnh mẽ tuyên bố rằng mình ổn, nhưng giờ đây em lại không thể làm được… Em đã thực sự rất cố gắng để bản thân mạnh mẽ hơn, cố gắng sống tốt để lấp đi những kỉ niệm không vui… Cô ơi em xin lỗi, em lại thất hứa rồi! Cô đừng buồn đứa học trò nhỏ bé này nhé cô. Đây sẽ là lần yếu đuối nhất mà em rơi nước mắt!
Trong đầu tôi vẫn nhớ như in ngày mà chúng tôi – những đứa học trò lớp 10 ngày nào đã là anh, chị lớp 12A1. Là ngày mà cả lớp đến chúc mừng sinh nhật cô. Hôm ấy là một ngày nắng đẹp, trời quang vẽ nên màu xanh của hy vọng và mơ mộng. Đó cũng là ngày 20/11 đầy ắp tiếng cười của chúng tôi. Ngày đó là ngày cả lớp 12A1 đặt biết bao nhiêu giải thưởng thi đua trong trường. Nhớ về ngày ấy mà tôi vẫn cảm thấy hương vị hạnh phúc ngập tràn. Rồi lại dịp trung thu lớp đến nhà cô nấu ăn, quậy phá khắp gian bếp chật hẹp nhà cô… biết bao nhiêu kỉ niệm quý giá!
Vẫn còn đó ngày tổng kết lớp 11 đầy ý nghĩa của chúng tôi. Cầm trên tay bảng điểm cùng niềm hân hoan vui sướng vì lớp đều đạt loại khá trở lên. Nét mặt cô vui vẻ cho chúng tôi cảm giác gần gũi như chính gương mặt của mẹ mình vậy.
Kể sao cho hết bao nhiêu kỉ niệm thuở ấy!
Trong lòng tôi giờ vẫn còn vang vọng lời dặn dò của cô vào dịp 20/11 năm ấy -năm lớp 12 – năm 17 tuôi của những cô cậu mới lớn đầy kỉ niệm. Cô dặn chúng tôi sống sao cho nên người tử tế, khi ra đời phải luôn mạnh mẽ trước những khó khăn và cám dỗ, bon chen của cuộc đời. Hãy dám theo đuổi ước mơ của chính mình.
Ngày hôm đó lời cô nói với tôi không lỡ một nhịp nào. Và đó cũng là lần cuối cùng em được nghe giọng nói ấm áp của cô…
Cô ơi!
Cô nói sẽ dẫn dắt chúng em qua kì thi THPT quốc gia đầy cam go, cô hứa sẽ luôn bên cạnh động viên và che chở chúng em… vậy mà giờ đây, cô nỡ lòng buông tay, bỏ rơi chúng em trên ngã rẽ của cuộc sống bấp bênh này…
Tại sao? Tại sao? Ngày 20/11 vốn dĩ là ngày những nhà giáo tận tụy như cô phải được hạnh phúc. Ngày 20/11 đáng lẽ phải là ngày mà cô cười thật tươi vì đó là ngày sinh nhật cô. Ngày 20/11 phải là ngày tôi được vui vẻ bên cô, được cô chia kẹo riêng vì chúng ta có cùng ngày ra đời.
Giá như chúng tôi không lười học, giá như chúng tôi không chán nản những giờ phút ở cạnh cô, được nghe cô giảng, giá như cô đừng giấu chúng tôi về căn bệnh ung thư quái ác kia chỉ vì muốn đám học sinh chúng tôi tập trung học tốt…
Cô ơi!
Nếu không có những lần “giá như” đó thì có lẽ, chúng em- những đứa học trò ngỗ nghịch ngày nào đã được thấy cô cười nhiều hơn rồi…
Cô có thấy mình sai khi làm những điều tàn nhẫn đó với chúng em? Cô có nghĩ rằng nếu để chúng em cùng cô đấu chọi cùng căn bệnh ung thư hiểm nghèo ấy, có lẽ cô đã có thêm sức mạnh hay không…
Tôi lại thành ra như vậy rồi, lại vô cớ trách cô, lại hay suy nghĩ lung tung.
“Em xin lỗi cô!”- câu nói trong lòng tôi luôn vang vọng. Giờ đây, tôi chỉ biết trách bản thân mình, chán ghét chính mình của ngày trước.
Tôi thật sự sai rồi!
Nhưng tôi luôn nỗ lực để bản thân mình mạnh mẽ. Tôi dám tự mình thi vào đại học sưu phạm, dám phản đối lại ý kiến theo học ngành kinh tế của gia đình. Hằng đêm mò mẫm bên trang sách, mặc cho gió rít từng cơn qua khe của mái nhà. Chỉ vì một lý do duy nhất, cô giờ chắc không thể hiểu được. Đó chính là vì lời dặn dò của cô năm ấy, là vì hình ảnh cô mặc áo dài dáng mảnh khảnh trên bục giảng, vì đôi tay cầm phấn nhưng đã rất thô ráp của cô. Điều đó trở thành động lực khiến tôi phải mạnh mẽ tiến bước. Tôi sẽ cố gắng cầm tay những em nhỏ, nâng niu những nét chữ đầu đời của các em. Sẽ luôn vì cô mà tận tụy hy sinh, giảng dạy vì sự nghiệp trồng người.
Có một nghề cao quý hơn những nghề cao quý,
Đem đạo học lên bậc thang địa vị
Dạy thành người chứ không thể thành danh.
Tôi đang nghe radio, tiếng hát cứ du dương thả hồn vào gió:
“Người thầy vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa
Từng ngày giọt mồ hôi rơi nhòe trang giấy…”
Hôm nay có ca sĩ nào hát hay quá, tôi chỉ biết ngồi nghe chứ cũng không nhận ra đó là giọng của người nổi tiếng nào. Tự nhiên tôi bật cười vì thấy mình thật ngốc nghếch…
Ngày mai lại là ngày 20/11 rồi, ngày tôi lại được về thăm mộ cô. Không biết ở sâu bên kia thế giới cô có nhận ra đứa học trò ngỗ nghịch ngày nào. Tôi vẫn làm một việc hết sức quen thuộc là theo địa chỉ trường cũ gửi thư về cho cô. Bởi tôi luôn tin cô vẫn cạnh bên tôi, luôn nâng đỡ chở che tôi khỏi những chông gai cuộc đời
12A1 khi đi họp lớp vẫn luôn hô to rằng: “cô Thanh là Mặt Trời, 12A1 là bình minh”. Bình minh luôn luôn chiếu sáng và sưởi ấm cùng mặt trời. Tôi sẽ nhớ nư in câu nói đó để nối tiếp bước chân cô, hoàn thành tốt sứ nghiệp “trồng người” mà cô đã mang và giờ đây tôi sẽ tiếp tục…
Tôi không phải là đứa học trò tuyệt vời nhất của cô, nhưng tôi biết luôn có những điều hạnh phúc nhất vì cô, và được là học trò của cô…
Trong mỗi lá thư gửi cô tôi đều nói rất nhiều, có lẽ sẽ phiền cô phải căng mắt đọc rõ những dòng chữ nghuệch ngoạc ấy rồi. Dù đó, với nhiều người có thể rất kì quặc, nhưng nó cũng chỉ là bí mật riêng giữa cô Thanh và tôi.
Nơi bầu trời xanh thẳm, tôi chỉ biết chúc cô luôn vui vẻ hạnh phúc!
Chúc cô ngày 20/11 ý nghĩa!
Chúc cô sinh nhật tuổi 40 mãi mãi vẹn tròn và ấm áp…
Thế thôi là đủ rồi.
…
Chúng ta thường mất 4 năm cấp hai để kì vọng vào ba năm học cấp ba. Chúng ta mất 3 năm học cấp ba để khát khao vào 4 năm đại học. Sau đó lại dành mất 4 năm đại học để nhớ về 7 năm trung học. Cuối cùng, chúng ta mất cả đời để tưởng niệm về tuổi trẻ của chính mình…
Thuở học sinh trong đời, ai ít nhất cũng phải có một kỉ niệm mà khi nhớ về thanh xuân, ta còn có một miền trời kí ức luôn rộng mở, một chân trời chôn giấu cả kho tàng những ước mơ và khát vọng mà ngày nào ta vẫn còn ủ ấp…
–Phạm Thị Thuý Nga, lớp 10 B1 —
(Tác phẩm đạt giải nhì thể loại Truyện ngắn cuộc thi “Viết về Thầy Cô và Mái Trường”)