BỆNH VÔ CẢM & MÔI TRƯỜNG THPT ĐĂK SONG – Đinh Thị Nhị.
Lượt xem:
Một trong những truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam là tinh thần tương thân tương ái, khi thấy “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Truyền thống ấy đã được các thế hệ người Việt Nam gìn giữ và phát huy hơn 4000 năm qua. Bước sang thế kỷ 21 – thế kỷ mà Khoa học kỹ thuật và kinh tế xã hội có những phát triển vượt bậc nhưng cũng đồng thời kéo theo nhiều hệ lụy. Có một bộ phận – đặc biệt là giới trẻ sống thực dụng hơn, ích kỷ hơn, dửng dưng hơn …, dần hình thành một căn bệnh chung, rất nguy hiểm mà chúng ta thường gọi là “bệnh vô cảm”. Nó không có hình hài, không phải là bệnh lý nhưng nó đang dần làm mất đi phần “người” trong mỗi chúng ta. Biểu hiện của nó rất đa dạng như: ra đường gặp một tai nạn giao thông hoặc đánh nhau vẫn thản nhiên đi qua với hàng ngàn lí do nào là đang vội, nào là sợ máu, nào là thôi mình biết giúp gì được, sợ liên lụy đến mình; thấy người gặp khó khăn thì lơ đi, thân ai người ấy lo, liên quan gì mình …cứ thế cái xấu dần len lỏi khắp mọi nơi, mọi ngõ ngách. Và rồi người với người cứ lướt qua nhau mà không mảy may rung động.
Nguyên nhân dẫn tới căn bệnh này?
+ Sở dĩ nảy sinh căn bệnh này vì người đó không được tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, không có một tập thể tốt, môi trường tốt để rèn luyện và thể hiện mình.
+ Xã hội phát triển nhiều các loại hình vui chơi giải trí trong khi giới trẻ lại tiếp xúc quá nhiều và chỉ một chiều.
+ Xã hội phát triển kéo theo nền kinh tế phát triển khiến nhiều người coi trọng vật chất và thực dụng hơn.
Nhận diện được sự nguy hiểm của căn bệnh này, toàn xã hội đang ra sức tiêu diệt nó bằng những hành động thiết thực, và trường học chính là môi trường tốt nhất để cải thiện “căn bệnh vô cảm” để đánh thức lương tri giới trẻ bằng những việc làm tích cực, như hiến máu nhân đạo cứu người, làm công tác từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, những người không may mắn bằng khả năng mình có thể. Không chỉ cần làm được chuyện lớn lao mà có thể giúp đỡ những người bên cạnh mình. Cứ mỗi năm, đến ngày hội Xuân hồng, tập thể Cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường tham gia hiến máu nhân đạo với tâm niệm “ một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”.
Không chỉ thế, từ nhiều năm nay THPT Đăk Song đã làm rất tốt công tác quyên góp, hỗ trợ những giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn bằng những việc làm thiết thực như: học sinh ủng hộ sách, báo cũ theo sự kêu gọi của Đoàn trường; phát động phong trào nuôi heo đất ở các lớp, chi đoàn giáo viên …. Mỗi khi có học sinh có hoàn cảnh khó khăn cả tập thể nhà trường đều chung tay giúp đỡ. Gần đây nhất, em Phạm thị Quỳnh Như – học sinh lớp 12C6 của trường gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng mà hoàn cảnh gia đình em vô cùng khó khăn (mẹ em đang điều trị ung thư tại TP.HCM). Đoàn trường, cán bộ giáo viên và tập thể học sinh nhà trường một lần nữa kêu gọi sự chung tay của các mạnh thường quân, các cá nhân hỗ trợ giúp đỡ em Như, số tiền ủng hộ lên đến hơn 47 triệu đồng. Một con số tưởng chừng không thể vậy mà tập thể nhà trường đã làm được, đã cùng gia đình em tạm vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đó cũng là điều để khẳng định bên trong ngôi trường THPT Đăk Song ấy không tồn tại căn bệnh vô cảm.
Bệnh vô cảm là căn bệnh nguy hiểm mà không có trong danh mục của ngành y. Mỗi chúng ta cần rèn luyện và tu dưỡng, sống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và xã hội để đẩy lùi căn bệnh này.
— Đinh Thị Nhị, Tổ Toán tin–