CẦN LẮM, VIỆC GIÁO VIÊN KIỂM SOÁT CẢM XÚC KHI LÊN LỚP (Đình Khởi)
Lượt xem:
— Phạm Đình Khởi, GV Tổ Hóa học —
Hugh Downs từng nói: “Người hạnh phúc không phải là người được sống trong hoàn cảnh thuận lợi nào mà là một người có cách nhìn và thái độ sống tốt nhất trong mọi hoàn cảnh.”. Người có thái độ sống tích cực luôn nhìn thấy các khả năng và tìm ra những con đường chưa thành lối để đạt đến thành công, hạnh phúc thật sự. Còn người có thái độ sống tiêu cực thì tự giam hãm cuộc sống mình vào các khuôn khổ, lối mòn và chỉ nhìn thấy các giới hạn, khó khăn trong cuộc sống.
Theo tôi, nghề giáo là một nghề rất đặc biệt. Mỗi giờ, mỗi ngày lên lớp là một chuỗi những cảm xúc lẫn lộn bao gồm: Niềm vui, tình yêu, nỗi buồn, tức giận và cả sự sợ hãi nữa. Giáo viên thường hay so sánh lớp này, lớp kia, học sinh này với học sinh kia đã vô hình khiến không ít giáo viên căng thẳng, lo lắng. Và sự bất an luôn thường trực trong họ, hàng loạt những câu hỏi nghi vấn “liệu các em có hiểu bài giảng không? Có làm bài tập về nhà đầy đủ không? Có làm theo sự hướng dẫn của mình không? Tại sao các em lại nghịch như vậy? Tại sao các em ăn nói hỗn hào như vây?…” quanh quẩn/xuất hiện/ám ảnh trong đầu họ, từ đó họ hình thành thói quen kiểm soát bài vở học sinh một cách gắt gao, đôi lúc mất kiểm soát và có những hành động không đúng mực. Dường như những người giáo viên đang ở trong một tình trạng “khó xử” để hiểu và quản lý cảm xúc của chính mình trong nhiều tình huống khác nhau.
Bạn sẽ không thể “hạnh phúc” nếu mang một thái độ tiêu cực đến lớp học được. Nếu chúng ta mang nỗi buồn và sự tức giận đến lớp thì chúng ta sẽ nhận lại sự ủ rủ, phản kháng và thái độ học tập tiêu cực của học sinh.
Thay đổi thái độ, suy nghĩ tích cực, vào lớp với một nụ cười rạng rỡ chúng ta sẽ thấy giờ học thật “hạnh phúc”. Chúng ta không nên đánh đồng, so sánh học sinh vì mỗi em là một cá tính đặc biệt.
Qua nhiều năm giảng dạy tôi nhận thấy rằng giáo viên cần phải kiểm soát cảm xúc của mình thật tốt. Thay vì tức giận, la mắng khi học sinh nói “em không làm được” thì chúng ta nên vui vẻ và nói “lên bảng thầy hướng dẫn lại cho”, thay vì giận dữ khi học sinh không thuộc bài thì ta nên vui vẻ nói “thầy sẽ cho em 5 phút học lại để kiểm tra” hoặc cho biết trước câu hỏi và sẽ kiểm tra ngày hôm sau, thay vì quát học sinh khi chúng phạm lỗi thì chúng ta nên ân cần chỉ cho các em nhận ra lỗi của mình,…Có như vậy thì mỗi ngày đén lớp mới là niềm vui và niềm hạnh phúc thật sự./.