HÀ TRANG – HOA GIỮA ĐỜI THƯỜNG

Lượt xem:

Đọc bài viết

Trong cuộc đời dạy học của mỗi người giáo viên, chắc hẳn chúng ta sẽ có rất nhiều kỉ niệm để lại dấu ấn khó quên. Với riêng tôi, là một giáo viên đã 9 năm công tác với 7 năm làm công tác chủ nhiệm cũng đã trải qua biết bao nhiêu kỉ niệm vui buồn. Nhưng ấn tượng để lại sâu sắc nhất trong tôi đó là kỷ niệm về một em học trò ở xã Thuận Hạnh, huyện Đăk Song. Kỷ niệm mà tôi muốn chia sẻ có tên: “ Hà Trang – hoa giữa đời thường”. Trên bước đường đưa đò, mỗi khi mệt mỏi, mỗi khi muốn buông xuôi … tôi lại nhớ đến em, cô học trò nhỏ nhắn đáng yêu với nghị lực sống kiên cường.

Năm học 2014 – 2015, được sự phân công của nhà trường, tôi chủ nhiệm lớp 10A2. Trong số 35 học sinh của lớp, tôi có ấn tượng với một cô bé da trắng, tóc dài, đeo kính cận, dáng người mảnh khảnh, giọng nói trong trẻo nghe rất dễ thương. Ban đầu tôi nghĩ cô học trò này chắc chắn được sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả và có lẽ là “tiểu thư” lắm đây.

Với vai trò là một giáo viên chủ nhiệm, công việc đầu tiên khi nhận lớp là tôi tìm hiểu hoàn cảnh của học sinh thông qua tờ khai “sơ yếu lí lịch”. Tạm yên tâm khi cầm thông tin cá nhân của các em trong tay. Ngoài 8 học sinh dân tộc thiểu số, 3 học sinh thuộc diện hộ nghèo, 1 học sinh khuyết tật, còn lại hoàn cảnh gia đình các em bình thường, ai cũng đầy đủ cả bố lẫn mẹ. Sau thời gian đầu làm quen, cả cô và trò bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ của năm học. Cô bé học trò đeo kính cận nay là Bí thư kiêm lớp Phó văn thể mĩ của lớp – Đặng Thị Hà Trang. Em là một học sinh sôi nổi, dễ gần, rất thích tham gia các hoạt động tập thể, hay hát, mọi việc của lớp từ lớn đến bé em đều triển khai một cách rõ ràng không chờ sự nhắc nhở của giáo viên chủ nhiệm. Có một “báu vật” như thế trong tay, tôi yên tâm phó mặc cho em.

Thời gian trôi qua, ngoảnh đi ngoảnh lại kì thi học kì gần tới. Một hôm, trên bàn giáo viên xuất hiện giấy xin phép nghỉ học của em, trong đơn ghi rõ lí do là em bị ốm không đi học được. Buổi sáng hôm sau em đi học, nhưng buổi chiều học tăng tiết em nghỉ. Sáng hôm sau nữa em đi học bình thường, buổi chiều học tăng tiết em lại nghỉ. Tôi bắt đầu thấy khó chịu, bực mình vì cô học trò này. Dự định là tối nay về sẽ gọi điện để trao đổi với phụ huynh thì kết thúc buổi học tôi nhận được một tin nhắn với nội dung: Thưa cô, em là Hà Trang đây cô ạ. Cô đừng gọi điện cho mẹ em về chuyện em nghỉ học cô nhé. Em xin cô đấy! Mẹ em sẽ đánh em chết mất. Em không sợ mẹ đánh, em chỉ sợ mẹ buồn thôi, em không đủ can đảm khi nhìn thấy mẹ em khóc đâu cô ơi!

Có điều gì đó không bình thường trong nội dung của tin nhắn. Qua tìm hiểu một người bạn thân của em tôi biết được em đang đi làm thêm. Sau cuộc nói chuyện ấy tôi tự trách mình. Là GVCN mà tôi chưa hiểu hết hoàn cảnh của các em. Tại sao hoàn cảnh của một em học sinh khó khăn nhất lớp đến bây giờ mình mới nắm được? Muôn vàn câu hỏi cứ hiện lên làm tôi trằn trọc không sao ngủ được. Ngày hôm sau lên lớp, tôi lân la hỏi chuyện và em mở lòng mình. Ba mẹ em không có duyên sống với nhau nên đường ai nấy đi khi em mới tròn 6 tuổi. Em được tòa quyết định ở với ba. Nhưng ba của em vì không có việc làm ổn đinh, nay đây mai đó, bà nội già yếu nên mẹ đưa em về nuôi. Một thời gian mẹ em đi thêm bước nữa, bố dượng lúc đầu cũng thương em nhưng từ khi có em trai thì tình cảm san sẻ, và chuyện con chung con riêng xảy ra. Hoàn cảnh gia đình túng bấn, bố dượng em sinh ra rượu chè, cứ mỗi lần say rượu bố dượng lại đánh đập đuổi hai mẹ con em ra vườn cà phê không cho vào nhà. Đã ba tháng nay em không có tiền để mua vé xe buýt, vì không muốn nhìn thấy cảnh mẹ bị đánh nên em lén đi rửa chén thuê để có tiền mua vé xe đi học.

Lòng tôi chùng xuống. Làm gì bây giờ, phải làm gì đó để em không phải nghỉ học. Tôi lên lớp, phát động phong trào nuôi heo đất. Một tháng trôi qua, tôi và ban cán sự lớp hào hứng đập heo trong sự hồi hộp của cả lớp. Số tiền quyên góp được đủ để mua cho em bốn vé xe buýt theo tháng. Thay mặt cho tập thể lớp, tôi đã trao cho em số tiền và đọc được trong mắt em một cảm xúc khó tả.

Kì thi học kì I một diễn ra suôn sẻ, điểm số của em khá cao, tôi thấy em rất phấn khởi. Hai tuần sau kì thi, em xin gặp riêng tôi. Em vui vẻ nói lời cảm ơn tôi và các bạn trong lớp đã giúp đỡ em trong lúc khó khăn, và bây giờ em muốn gửi lại số tiền mà lớp đã giúp đỡ em. Em tâm sự: Ngoài giờ học và ngày chủ nhật em xin làm ở một tiệm tạp hóa gần nhà. Tiền công không nhiều nhưng đủ để em mua vé xe buýt và đóng tiền học thêm những môn học yếu. Em nhất quyết không nhận số tiền này mặc cho tôi nói thế nào đi nữa. Em nói: Lớp mình còn nhiều bạn có hoàn cảnh gia đình khó khăn hơn em cô ạ, với lại em muốn tự vượt lên hoàn cảnh của bản thân, khi nào thực sự không làm nổi em sẽ cần sự giúp đỡ của cô và các bạn, em hứa với cô sẽ không nghỉ học nữa đâu ạ.

Thật là đáng trân trọng. Khó khăn là thế mà không lúc nào tôi thấy em buồn bã hay chán nản, lúc nào nụ cười cũng nở trên môi em. Cũng chính điều này đã đánh thức trong tôi trách nhiệm, lương tâm của một giáo viên chủ nhiệm. Từ đấy tôi gần gũi các em hơn, tôi quan tâm nhiều hơn tới hoàn cảnh của học sinh, cảm thông và chia sẻ nhiều hơn với các em. Tôi thấy quên đi nỗi vất vả của một của bà mẹ đang chăm hai con nhỏ, tôi khắc phục mọi cách để đến lớp nhiều hơn, bởi ở đó có 35 học sinh đang ngóng chờ. Và thực sự trong thâm tâm, tôi luôn mong muốn mình là người mẹ, người chị thứ  hai của các em khi ở trường.

Tôi thiết nghĩ cuộc sống quanh ta mỗi con người là một hoàn cảnh không ai giống ai. Có những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua nổi nhưng sự động viên, quan tâm, chia sẻ kịp thời luôn là động lực để vượt qua và chiến thắng. Đó cũng chính là giá trị cuộc sống mà thực tế tôi và cô học trò của tôi đã tìm thấy.

Câu chuyện “Hà Trang – hoa giữa đời thường” là một trong nhiều câu chuyện trong hành trang của nghề nhà giáo. Với tôi đó là kỉ niệm đáng nhớ nhất trong 7 năm làm công tác chủ nhiệm, chắc chắn nó sẽ đẹp mãi trong tôi và học trò lớp 10A2 ngày ấy.

Nguyễn Thị Bân – Tổ Ngữ Văn