LẠC MẤT MỘT BÀN TAY
Lượt xem:
Xu hướng hội nhập toàn cầu hóa hiện nay đã tác động mạnh mẽ tới lối sống của con người Việt Nam. Những giá trị phổ quát của văn minh nhân loại thâm nhập vào xã hội ta, làm cho con người Việt Nam trở nên thông minh hơn, rộng mở hơn, cầu thị hơn và năng động hơn. Điều đó là tốt chẳng có gì phải bàn cãi, thế nhưng mặt trái của nó là hình như ta đang sống nhanh hơn, gấp hơn, vội vã hơn. Mỗi một chúng ta luôn chạy đua với thời gian để chiếm lĩnh và khẳng định bản thân, và rồi vô tình ta đánh mất đi những giá trị trong cuộc sống. Khi ngoảnh lại thì đã muộn màng chỉ biết sống trong sự day dứt. Tôi cũng đã để nhiều thứ tuột khỏi bàn tay mình; có khi đó là một cơ hội cho nghề nghiệp, là một người bạn thân…Thế nhưng có lẽ điều làm tôi ân hận day dứt nhất đó chính là để : “ Lạc mất một bàn tay”. Đây là một câu chuyện buồn xảy ra cách đây đã 10 năm.
Năm 2006 được nhà trường phân công chủ nhiệm lớp 11B7, do chủ nhiệm bắt ngang nên bản thân cũng chưa nắm rõ đặc điểm tình hình của lớp. Tiếp nhận lớp được một thời gian tôi thấy cần phải chấn chỉnh ngay nề nếp của một số học sinh thường xuyên đi trễ và vắng học không có lí do. Vốn được xem là một trong những giáo viên có năng lực trong công tác chủ nhiệm cho nên tôi rất tự tin là mình sẽ xử lí tình hình trên của lớp tốt. Thế nhưng, có một học sinh nam ngồi góc cuối lớp vẫn cứ vắng học không có lí do. Cứ dăm mười ngày em lại vắng một buổi học, nhắc nhở thì em chỉ cúi đầu im lặng. Tôi chính thức hai lần viết giấy mời cho phụ huynh nhưng không được hợp tác. Tôi ra tối hậu thư: Nếu em không khắc phục cô sẽ đề nghị lên nhà trường kỷ luật trước cờ. Trong suy nghĩ của tôi thì em có phần là một học sinh ương bướng. Gần một học kỳ trôi qua mà chưa tìm ra giải pháp giải quyết tình trạng trên. Tôi quyết định xúc tiến làm biên bản đề nghị kỷ luật cấp trường. Thế nhưng, chưa kịp chuyển lên trường thì học sinh đã nghỉ học. Một ngày, hai ngày, …rồi một tuần trôi qua không có lý do. Tất cả học sinh của lớp được hỏi đều không biết địa chỉ cụ thể (chỉ biết ở Sình Voi, hay Sình Muống gì đó). Tôi quyết định vào tận nhà em. Đó là điều chẵng phải dễ dàng, bởi tôi không biết đi xe máy, con đường vào nhà em vì thế lại càng trở nên khó khăn hơn. Được một đồng nghiệp “hộ tống” cuối cùng tôi đã có mặt tại nhà em sau gần một tiếng rưỡi vừa đi vừa dò đường. Một khung cảnh hết sức ảm đạm, lác đác một vài ngôi nhà vách gỗ lụp xụp cách nhau vài ba cây số. nơi đây là chỗ định cư của người dân tứ xứ, xem ra cuộc sống của họ chẳng lấy gì làm khấm khá cho lắm. Bước vào ngôi nhà gỗ hai gian tôi khá bất ngờ và hụt hẫng khi tiếp giáo viên chủ nhiệm của con mà phụ huynh hoàn toàn thờ ơ, thiếu thiện chí. Nhưng có lẽ hụt hẫng hơn bởi phụ huynh thông báo học sinh đã xuống Sài Gòn làm công nhân.
Rời khỏi nhà em ra về trong lòng tự nhủ: “Thế là mình đã làm tròn trách nhiệm rồi đấy”, em không học nữa là do “em không thích” (Theo lời phụ huynh). Để khỏi ảnh hưởng tới thành tích của lớp, tôi gạch tên em khỏi danh sách lớp học và báo cáo sĩ số lên nhà trường. Đồng thời, tạm yên tâm từ nay không còn một học sinh suốt ngày nghỉ học làm lớp phải mất điểm thi đua.
Thời gian trôi đi, phần vì công việc, phần vì gia đình con cái, tôi cũng dần quên em. Nếu không có một hôm khi nhận được lá thư, tôi vui lắm vì nghĩ rằng đó là thư của Ba gửi. Cụ vẫn có thói quen viết thư đều đặn cho con cái ngay cả khi chúng đã trưởng thành. Thế nhưng, điều ngạc nhiên khi tên người gửi là: Trần Văn Ngọc. Quả thật trong đầu tôi chưa định hình được Trần Văn Ngọc là ai. Mãi khi đọc bức thư xong thì mới nhận ra em: Ngọc Sình Voi. Dù đã qua nhiều năm tháng nhưng những con chữ vẫn cứ nhảy múa trong đầu tôi. “Thưa cô! Em đã được học qua rất nhiều giáo viên dạy môn văn nhưng cô là người dạy văn hay nhất mà em từng biết, cô đã dạy cho em nhiều bài học quí giá từ cuộc sống. Cô thật ấm áp và ân cần, em thích nhìn vào đôi mắt buồn của cô, em thấy mình trong đó”. Một nỗi xấu hổ chiếm lấy tâm trí tôi, người học trò ấy đã nhìn thấu vào tâm hồn tôi vậy mà tôi hời hợt và vô tâm biết bao! “ Thưa cô! Hồi đó em rất muốn đi học nhưng em không thể bởi dì và bố không cho em đi học nữa, em không muốn ở nhà làm rẫy nên em đã xuống Sài Gòn ở nhờ nhà Cậu, em sẽ làm công nhân cô ạ! Em không may mắn khi mẹ qua đời và bố tái hôn…đôi lúc em chịu những trận đòn oan nhưng em không trách bố đâu cô ạ, đọc bức thư đến cả chục lần nhưng vẫn không kìm được nước mắt. Mỗi con chữ hiện lên như một mũi kim châm vào tim đau nhói, day dứt ân hận tự trách mình là quá vô tâm. Tôi viết thư cho em theo địa chỉ ngoài bì thư nhưng không nhận được hồi âm. Tôi lại lạc mất bàn tay em một lần nữa.!
Trong tâm trí tôi luôn day dứt bởi một lời xin lỗi không có cơ hội nói ra, và cảm ơn em – Người học trò tên Ngọc vì nhờ có em mà Cô không lạc mất thêm những bàn tay khác.
Đúng thế, em đã thức tỉnh, đã cho Cô bài học quý giá về cách nhìn nhận con người, cuộc sống. Cho nên cô sẽ không bao giờ để những bàn tay tương tự như thế tuột khỏi tay mình.
Vâng! Có những nỗi đau để lại vết thương không bao giờ liền sẹo, nhưng cũng có những nỗi đau giúp ta biết trân trọng những giá trị trong cuộc sống này.
Bùi Thị Hiệp – Giáo viên tổ Ngữ Văn