Văn Hóa Ứng Xử Nơi Học Đường
Lượt xem:
“ Việt Nam tổ quốc tôi” mỗi lần gọi tên quê hương lòng tôi lại rạo rực niềm vui, niềm tự hào về mảnh đất giàu truyền thống dân tộc, dải đất hình chữ S thân thương ấy. Bản hùng ca của dân tộc được viết nên từ bao chiến công lừng lẫy với những mốc vàng son chói lọi suốt bốn ngàn năm gìn giữ và xây dựng đất nước trải dài trong tâm trí tôi. Bốn ngàn năm ấy là những thăng trầm, là những dấu ấn của lịch sử, là nền văn hiến của cả dân tộc được gây dựng nên từ bao lớp lớp thế hệ cha anh đi trước. Phải chăng thời điểm sau bốn ngàn năm ấy dấu ấn văn hóa, “Tòa đài” ấy đang phai mờ? Hay giống như lời nói của một du học sinh người Nhật Bản: “Thật đáng tự hào vì Việt Nam có bốn nghìn năm văn hiến. Thật xấu hổ nếu bốn nghìn năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách ứng xử ở đời thường”. Tại sao lại như thế ?
Bốn ngàn năm văn hiến là những giá trị tinh thần, vẻ đẹp văn hóa của dân tộc, những truyền thống tốt đẹp ấy là công sức của các vua Hùng, của thế hệ cha ông đi trước chúng ta xây dựng, gìn giữ và phát huy. Thế mà chỉ là một chương của sử học thôi ư? Phải chăng, chúng ta chỉ nặng về lí thuyết?.
Người xưa có câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ” trong văn hóa ứng xử, cách giao tiếp là bài học quan trọng, cơ bản nhất của đạo làm người: “tiên học lễ, hậu học văn”. Thế mà, văn hóa ứng xử của chúng ta đang biểu hiện những mặt tiêu cực. Chính điều đó đã làm mất đi nét đẹp của dân tộc . Đến nỗi phải nói là “Con người Việt Nam ăn to nói lớn” hay đúng hơn là việc nói những lời phàm phu, tục tĩu, cư xử thiếu ý tứ, tùy tiện đã trở thành thói thường trong đời sống xã hội ngày nay. Chẳng kể đâu xa xôi trong môi trường học đường là nơi những học sinh được giáo dục căn bản và tốt nhất về văn hóa, về đạo lí làm người. Thế nhưng nét đẹp trong cách ứng xử của một bộ phân học sinh thật sự đang xuống cấp nghiêm trọng. Từ lời ăn tiếng nói đến cách cư xử, từ suy nghĩ đến hành động đều cho ta thấy sự rạn nứt của văn hóa nơi học đường. Chẳng hạn khi xảy ra mâu thuẫn thay vì cùng nhau bình tĩnh nói chuyện tìm hướng giải quyết được chọn là xô xát lẫn nhau, thay vì chuyện bé coi như không có?.. thì lại xé to ra để gây sự. Lời xin lỗi dường như là quá xa xỉ, thật khó để thốt ra mặc dù biết rõ người đúng kẻ sai trong cuộc. Khi đã mâu thuẫn thì văng tục, chửi thề là điều khó tránh khỏi, dường như lúc mất bình tĩnh thì phần “con” của con người trỗi dậy biến chúng ta thành một người hoàn toàn khác, hiếu thắng và không phân biệt được đúng sai, phải trái.
Đối với học sinh, chào hỏi lễ phép khi gặp thầy, cô vốn đã là phép lịch sự tối thiểu thế nhưng một số học sinh có quan điểm rằng “Thầy, cô đó có dạy mình đâu mà chào” hay “không thích chào” và “cả lớp đứng hết mỗi mình ngồi cũng chẳng sao”… .Không biết từ lúc nào thầy, cô giáo – người truyền dạy cho ta kiến thức, chia sẻ cho chúng ta những kinh nghiệm sống hay, bổ ích đã trở thành “ông này, bà kia” là tâm điểm của những cuộc nói xấu trước mặt bạn bè. Nhất là trong thời kì các trang mạng xã hội facebook, zalo đã dần trở thành người bạn thân thiết với mọi lứa tuổi trong đó có học sinh. Thông qua trang cá nhân để đăng tải những dòng trạng thái và có lúc đó là những lời không mấy hay ho để bôi nhọ danh dự nhân phẩm của bố, mẹ, bạn bè, và thầy cô… một cách công khai, chỉ cần làm mình phật ý thì không một ai là ngoại lệ cả. Không chỉ có chủ nhân của dòng trạng thái mà còn không ít học sinh a dua, đồng tình bay vào an ủi, cảm thông đồng tình với những lời lẽ khó nghe, thiếu văn hóa và không thể chấp nhận được điều ấy trong các bình luận. Vì là học sinh, ở cái lứa tuổi suy nghĩ còn bồng bột, non trẻ của cái tuổi mới lớn thích thể hiện, dễ tự ái, hành động đi trước suy nghĩ nên khiến chúng ta dễ phạm sai lầm.
Ta thấy đó, chính những điều này đã phần nào phản ánh được sự mai một của văn hóa ứng xử nơi học đường, điều này cũng giống như cách ta tiếp nhận bốn ngàn năm văn hiến của tổ quốc trong một trang lịch sử vậy, ta chỉ đọc lướt qua rồi vội gấp cuốn sách lại. Sau đó, ném nó vào quên lãng nên mới không hiểu được bản chất của văn hóa ứng xử, cách giao tiếp giữa người với người là như thế nào?
Vậy nguyên nhân là do đâu? Đó là do nhiều nguyên nhân khác nhau: do thiếu sự quan tâm, quản lí của phụ huynh. Do được nuông chiều, suy nghĩ lệch lạc hoặc do gặp biến cố trong tâm lí gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống tinh thần. Do tuổi mới lớn, bạn bè khích bác, lời nói thiếu suy nghĩ thốt ra gây mâu thuẫn thù hằn, do ảnh hưởng từ người lớn trong gia đình, do cách giáo dục của phụ huynh chưa phù hợp ươm mầm nhiều suy nghĩ lệch lạc cho con cháu từ hồi còn tấm bé, hay do ý thức của bản thân mỗi người ? Dù là do nguyên nào thì cũng có cách giải quyết. Dù đang ở trong độ tuổi nào, hoàn cảnh nào thì văn hóa ứng xử cũng nên được đưa lên đầu giống như tầm quan trọng ý nghĩa của nó vậy. Để ứng xử có văn hóa trong học đường nói chung và trong xã hội nói riêng thì chúng ta có thể chọn cách từng bước thay đổi, thay đổi vì hôm nay, ngày mai và mãi mãi.. Chúng ta cần phải cư xử đúng mực làm gương cho thế hệ sau học tập làm theo, không nên gieo vào đầu trẻ nhỏ nhưng suy nghĩ xấu, suy nghĩ tiêu cực bởi trẻ nhỏ hay học đòi và bắt chước vô tình, chúng ta đang tự tay tạc nên một người trưởng thành thiếu ý thức, lời nói thô tục kém văn hóa trong tương lai. Vậy nên mỗi lời nói ra cần phải được suy nghĩ trước sau, mỗi hành động chúng ta làm cần phải được cân nhắc kĩ càng. Là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường tôi hiểu được bản thân mình cần phải học tốt bài học làm người, học cách giao tiếp, cư xử đúng mực, kính trên nhường dưới là gương cho các em noi theo. Học kiến thức là quan trọng nhưng bài học đạo đức làm người còn quan trọng hơn. Bác Hồ từng nói: “có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó”.
Vì vậy ta cần loại bỏ những nếp sống không đẹp đó và hành động cư xử thiếu văn hóa ngay bây giờ. Giống như muốn gìn giữ môi trường sạch đẹp thì không được phép xả rác bừa bãi. Muốn giảm thiểu các tệ nạn xã hội thì mỗi người cần có ý thức tốt, có trách nhiệm với bản thân hơn, trước khi làm việc gì cũng suy nghĩ trước sau. Một cá nhân không làm nên được điều vĩ đại nhưng mọi người cùng thực hiện ắt hẳn sẽ được gặt hái quả ngọt. Điều cốt lõi vẫn là ở ý thức của mỗi chúng ta, nó cần được rèn luyện và mỗi người phải biết trân trọng nền văn hóa mà cha ông ta đã để lại. Đừng để những gì đáng tự hào nhất của dân tộc chỉ là một chương trong cuốn sách sử dày cộp ấy. Nghiêm Hồ Nhược Nam
LỚp: 12a8