Nâng cao nhận thức về giữ gìn và bảo vệ đường Biên giới cho học sinh

Lượt xem:

Đọc bài viết

Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Lãnh thổ Việt Nam là một chỉnh thể thống nhất, bất khả xâm phạm, với diện tích đất liền là 331.689 km2, với 4.550 km đường biên giới, là nơi sinh sống của trên 97 triệu dân thuộc 54 dân tộc cùng chung sống đoàn kết trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức. Các thế lực thù địch chưa từ bỏ âm mưu can thiệp vào công việc nội bộ, gây mất ổn định chính trị – xã hội, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia nước ta.

                               Tiết học Biên cương tại Đại đội Bộ binh Biên giới 6 

Bảo vệ Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam hiện nay. Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia là một nội dung đặc biệt quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng xác định: “Xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh toàn diện; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng văn hoá và an ninh xã hội; duy trì trật tự kỷ cương, an toàn xã hội; giữ vững ổn định chính trị của đất nước, ngăn ngừa, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá, thù địch, không để bị động, bất ngờ”.

Từ quan điểm của Đảng, chúng ta có thể thấy vấn đề bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh thổ đóng tầm quan trọng rất lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là những khu vực có vị trí tiếp giáp với lãnh thổ nước ngoài, trong đó có thể kể đến huyện Đắk Song – tỉnh Đắk Nông.

Huyện Đắk Song được thành lập vào ngày 21 tháng 6 năm 2001 trên cơ sở tách 2 xã: Trường Xuân, Đắk N’Rung thuộc huyện Đắk Nông và 3 xã: Thuận Hạnh, Đắk Môl, Đắk Song thuộc huyện Đắk Mil phía đông và đông nam, huyện Tuy Đức ở phía tây, thị xã Gia Nghĩa ở phía nam. Phía tây bắc huyện là đường biên giới Việt Nam – Campuchia dài khoảng 24km giáp với huyện PíchChămĐa và Ôrăng tỉnh Mundulkiri, Vương quốc CamPuChia.

Về địa hình, huyện Đắk Song nằm trên cao nguyên Đắk Nông (còn gọi là cao nguyên M’nông) – một phần của cao nguyên Xra Rô, trải rộng trên lãnh thổ hai nước Việt Nam – Campuchia.

Với vị trí chiến lược như vậy, huyện Đắk Song có vai trò quan trọng trong việc phát triển mối quan hệ hữu nghị với nước bạn Campuchia và là 1 tuyến đường giao thông huyết mạch nối liền các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Từ trung tâm huyện đi lên phía Bắc gần 90 km sẽ tới thành phố Buôn Ma Thuột, đi hơn 260 km về phía Nam sẽ đến Thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy, huyện Đắk Song có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, quốc phòng an ninh đối với khu vực Tây Nguyên và cả nước. Vai trò trong việc bảo vệ chủ quyền biên giới, lãnh thổ cũng rất được coi trọng tại địa bàn này.

                             Học sinh tham gia trải nghiệm tại Biên giới Việt Nam – Campuchia

Trường THPT Đắk Song đóng chân trên địa bàn thị trấn Đức An – Huyện Đắk Song – Tỉnh Đắk Nông, bên canh nhiệm vụ dạy học nhà trường còn chú trọng giáo dục cho học sinh những vấn đề mang tính thời sự, chính trị của địa phương, đặc biệt là về bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh thổ. Trong các hoạt động giáo dục tập thể và dịp kỷ niệm ngày thành lập QĐND Việt Nam và ngày Hội Quốc phòng toàn dân hằng năm, nhà trường triển khai các nội dung về bảo vệ chủ quyền biên giới nhằm giáo dục ý thức cho học sinh, giúp các em nhận thức được ý nghĩa thiêng liêng, cao quý và bất khả xâm phạm về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia đồng thời nêu cao tinh thần cảnh giác và có thái độ đúng đắn trong việc bảo vệ chủ quyền biên giới tại huyện Đắk Song. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm tại các đồn biên phòng trên địa bàn huyện Đắk Song, nơi tiếp giáp với lãnh thổ đất nước Campuchia như: Đồn 763, Đồn 765, Đại đội BB6…  qua các buổi nói chuyện với các chiến sĩ biên phòng, các em học sinh có cảm nhận thiêng liêng về nhiệm vụ giữ gìn biên cương tổ quốc. Các em có thêm niềm tin, lý tưởng để học tập và rèn luyện thực hiện các ước mơ hoài bão góp phần xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước.

Để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ giáo dục QPAN và nâng cao nhận thức về giữ gìn và bảo vệ biên giới cho học sinh,  Trường THPT Đắk Song cần thực hiện một số vấn đề giáo dục sau:

Một là, đổi mới phương pháp giáo dục QPAN, chú trọng giáo dục nâng cao trình độ nhận thức về mọi mặt, hiểu biết sâu sắc về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân ta; ý nghĩa thiêng liêng, cao quý và bất khả xâm phạm về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia của nước ta; xác định rõ vinh dự và trách nhiệm của công dân trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia. Từ đó xây dựng, củng cố lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí tự chủ, tự lập, tự cường, nâng cao ý thức bảo vệ Tổ quốc. Sẵn sàng nhận và hoàn thành các nhiệm vụ quốc phòng

Hai là, tổ chức các phong trào tình nguyện hướng về vùng biên cương; tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, giao lưu giữa Đoàn Thanh niên nhà trường với Chi đoàn các Đồn Biên phòng để thắt chặt tình đoàn kết, tình quân dân và phát huy sức mạnh của tuổi trẻ.

Ba là, phối hợp với các đơn vị quân đội trên địa bàn tổ chức các hoạt động trải nghiệm “24 giờ làm chiến sỹ quan đội nhân dân Việt Nam” cho học sinh.

Xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia là sự nghiệp của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lí thống nhất của Nhà nước, lực lượng vũ trang là nòng cốt. Mọi công dân Việt Nam đều có nghĩa vụ, trách nhiệm xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia. Đặc biệt với đối tượng học sinh, các em sẽ là chủ nhân tương lai của đất nước, việc giáo dục cho các em kiến thức quốc phòng an ninh và ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ khi còn ở trên ghế nhà trường là vô cùng cần thiết và quan trọng, nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước dân giàu – nước mạnh – xã hội công bằng – dân chủ – văn minh.

                           ThS. Trần Bảo Ngọc
Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường THPT Đắk Song