Người anh hùng thầm lặng (Trần Kết)

Lượt xem:

Đọc bài viết

NGƯỜI ANH HÙNG THẦM LẶNG
– Trần Thị Kết, Giáo viên Ngữ Văn –

                “Đời thiếu mẹ hiền, không phụ nữ

               Anh hùng thi sĩ hãy còn đâu?’’

      Xin dẫn lời thơ của đại thi hào người Nga Macxim Gorki để nói về một đề tài tưởng như đã rất cũ – sự hi sinh của người phụ nữ Việt Nam.

      Nếu nhìn sâu vào trong lịch sử của dân tộc từ thời Trưng Trắc, Trưng Nhị, Triệu Thị Trinh, Bùi Thị Xuân hay gần hơn chút nữa là Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu và rất nhiều những người phụ nữ vô danh khác, họ đã ngã xuống dùng máu xương của mình để xây đài tự do cho dân tộc. Một đất nước đã gắn với bao nhiêu cuộc chiến tranh vệ quốc, bên cạnh lớp lớp cha anh tòng quân ra trận là sự hi sinh vô cùng thầm lặng của những người mẹ, người vợ, người chị.

               “Khi có giặc người con trai ra trận

               Người con gái trở về nuôi cái cùng con

               Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh

               Nhiều người đã trở thành anh hùng’’.

    Nhẹ nhàng, dịu dàng nhiều khi yếu đuối, thế nhưng, nếu cần họ cũng sẽ đấu tranh và hi sinh một cách kiên trung, chẳng cần ai phải nhớ mặt, đặt tên mà chính những con người ấy góp phần tạo ra dáng hình đất nước. Có lẽ câu chuyện gây xúc động nhất về một thời khói lửa ấy, phải kể đến những cô gái dân quân hoả tuyến san đường, lấp hố bom cho từng đoàn xe ra trận. Hình ảnh mười cô gái Đồng Lộc tuổi còn mười tám đôi mươi vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ bởi một trận bom oanh tạc, điều đó đã gieo vào lòng những người còn sống một nỗi bùi ngùi, cảm thương và còn nhiều lắm những sự hi sinh anh dũng như thế mà chúng ta không thể nào nhớ hết, kể hết được.

     Cùng với những cô gái gan dạ nơi tiền tuyến, ở hậu phương các vợ, các mẹ, các chị chuyên cần sản xuất, nuôi con, chăm lo cho gia đình và chờ đợi. Không phải họ trông chờ các anh trở về trong hiển vinh “lọng ông đi trước, võng bà theo sau’’ mà chỉ đơn giản với mong ước người con, người chồng, người yêu còn sống, còn lành lặn khi đất nước độc lập, thống nhất. Có những người phụ nữ đã phải ngóng trông suốt cuộc chiến thậm chí cả đời thuỷ chung son sắt. Dẫu biết rằng đó là do chiến tranh nhưng khi nhìn vào hoàn cảnh, sự hi sinh của những người vợ, người mẹ ấy khiến cho chúng ta không khỏi xót xa.

     Chính vì những đau thương mất mát mà cả tiền tuyến, hậu phương, người già, người trẻ và nhất là những người mẹ phải chịu đựng – nhiều khi vượt quá khả năng của con người, nên trên thế giới chỉ Việt Nam mới có một danh hiệu lạ và đẹp đến thế “Mẹ Việt Nam anh hùng’’ với 127 ngàn mẹ – một con số không hề nhỏ. Trong đó phải kể đến những biểu tượng sáng ngời như mẹ Suốt, mẹ Tơm, mẹ Thứ…

               “Ba lần tiễn con đi. Hai lần khóc thầm lặng lẽ

               Các anh không về. Mình mẹ lặng yên.’’

     Có những người mẹ không chỉ có hai, ba lần mà đến tám, chín lần tiễn chồng, con lên đường và chẳng ai trở về. Nổi đau lên đến tận cùng, giọt nước mắt chưa kịp lau khô họ lại lần nữa tiễn con ra đi trong nỗi mong chờ khắc khoải, nhưng những người phụ nữ ấy không thể chọn cách sống ích kỉ chỉ biết có riêng mình, họ phải vượt lên trên nỗi đau cá nhân để hi vọng một ngày mai khi đất nước thái bình thế hệ con cháu sẽ không ai phải chịu những nỗi đau chia cắt như họ.

     Hoà bình đã về trên đất nước nhưng trong trái tim, huyết quản, suy nghĩ và trong cả thói quen của người phụ nữ vẫn luôn chấp nhận thiệt thòi về mình “Miếng nạc thời để phần chồng, miếng xương phần mẹ, miếng lòng phần con’’. Nếu cần họ sẽ luôn đứng phía sau để chồng, con tự tin tiến về phía trước. Dẫu cuộc sống này đã nhiều đổi thay, nhưng chúng ta vẫn còn thấy ở đó sự hi sinh thầm lặng và lòng thuỷ chung son sắt muôn đời không bao giờ thay đổi, như Xuân Quỳnh đã từng bộc bạch trong “Tự hát’’:

               “Em trở về đúng nghĩa trái tim em

               Là máu thịt, đời thường ai chẳng có

               Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa

               Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi’’.

     Ngày nay, chúng ta thường hay nghi ngờ chân giá trị của con người đặc biệt là lòng chung thuỷ và đức hi sinh. Có phải chăng những hiện tượng đã khiến ta quên đi bản chất. Chắc mọi người còn nhớ hình ảnh Thiếu uý Công an Đậu Thị Huyền đã từ chối chữa trị căn bênh ung thư giai đoạn đầu để cho đứa con mình chưa bao giờ gặp mặt được chào đời. Đó là một câu chuyện tiêu biểu truyền cảm hứng, nhưng còn bao nhiêu người mẹ khác nữa họ cũng chọn sự sống cho con thay vì mạng sống cho mình. Rất nhiều điều đáng suy ngẫm quanh tình mẫu tử, tưởng như đó là chuyện của muôn đời, khi đứng trước cửa tử ta mới thấy tình mẹ bao la biết nhường nào, người ta thường nói “Đàn ông đi biển có đôi. Đàn bà vượt cạn mồ côi một mình’’, nhưng họ không hề sợ hãi bởi:

               “Sinh con ra trong bao nhiêu khó nhọc.

               Mẹ yêu con hơn yêu cuộc sống.

               Mong cho con luôn ngoan hiền, giấc no say’’.

      Thế nên, trong cuộc sống gia đình phụ nữ luôn là người giữ lửa, làm mềm những mâu thuẫn, dung hoà quan hệ của các thành viên. Nếu có bất hoà, căng thẳng họ luôn nhận thiệt thòi về mình vì một gia đình ấm êm, vì mong con lớn lên có tình yêu của cả cha lẫn mẹ – dẫu biết rằng sự hi sinh ấy đôi khi là quá tàn nhẫn với họ, bởi với phụ nữ “Một điều nhịn là chín điều lành’’ hi sinh dường như đã trở thành một bản năng “Năm nắng mười mưa dám quản công’’ không bao giờ trách móc hay đòi hỏi chỉ cần gia đình được bình an, chồng con hạnh phúc là họ thoả nguyện rồi.

      Với cuộc sống hiện đại ngày nay, xã hội đang hướng tới sự bình đẳng giới. Vì thế, người phụ nữ được trân trọng hơn, được tham gia nhiều công tác xã hội hơn, được tự do khẳng định tài năng, vị trí của mình hơn. Nhưng chúng ta vẫn luôn thấy rằng dù ở đâu, môi trường nào phụ nữ vẫn luôn chịu nhiều thiệt thòi. Bởi thế rất mong các đấng mày râu hãy thấu hiểu, đồng cảm, sẻ chia, yêu thương chúng tôi nhiều hơn vì dù thế nào chúng tôi cũng cần lắm các anh dùng một tấm lòng để đối đãi với một tấm lòng.