SẺ CHIA – CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG

Lượt xem:

Đọc bài viết

Cô Bùi Thị Châu

Trong sự nghiệp trồng người thiêng liêng, có nhiều việc gian lao, vất vả, đòi hỏi người giáo viên phải trăn trở, nghĩ suy. Trong số muôn vàn công việc đó phải kể tới công tác chủ nhiệm lớp, chắc hẳn quý thầy (cô) giáo đã đúc kết được những điều mình tâm huyết qua nhiều việc làm cụ thể. Có những việc làm thoáng qua như cơn gió nhẹ nhàng, nhưng cũng có những việc làm đã để lại trong thầy (cô) những ấn tượng sâu sắc. như những nốt nhạc trầm bổng cất lên trong cuộc đời  tạo động lực để mỗi chúng ta vững bước hoàn thành nhiệm vụ được giao. Và câu chuyện tôi sẽ kể sau đây là một kỉ nhiệm giữa tôi và học trò mà chắc chắn nó sẽ theo tôi suốt đời nhà giáo.

Năm học 2013-2014, ban giám hiệu nhà trường phân công tôi chủ nhiệm lớp 10C1 – một lớp học có mặt bằng nhận thức thấp nhất trong khối 10, dĩ nhiên là thấp nhất toàn trường, lại có nhiều học sinh cá biệt (cá biệt cả đạo đức lẫn học tập). Nhận một lớp học mới như vậy tôi rất lo lắng. Trong số 34 HS, ấn tượng lớn nhất với tôi là em Phạm Trung Sơn. Với vẻ mặt hiền lành, khôi ngô, dễ mến.  Khi tiếp xúc tôi thấy em là học sinh chuẩn mực nhất trong lớp. Ở em có một đức tính tôi rất cảm tình là trung thực, thẳng thắn. Nên tôi chọn em làm lớp trưởng và Sơn cũng được sự tín nhiệm cao của tập thể lớp.

Trong học kì đầu tiên của năm học đó, Sơn đã điều hành lớp rất tốt, lớp học  đoàn kết. Riêng học tập của em cũng tiến bộ hơn hẳn (từ tổng kết lớp 9 chỉ được 5,5, sang học kì I lớp 10 em đạt được 6,4 điểm). Nên tôi rất tin tưởng Sơn, hy vọng nhiều ở em, mọi thông tin từ lớp học tôi đều nắm được thông qua những báo cáo rất kịp thời của Sơn.

Nói đến đây chắc hẳn ai cũng nghĩ sẽ không có vấn đề gì để nói. Nhưng quả thực sang học kì II, sau khi học được một tháng rưỡi, tôi thấy em Sơn có những biểu hiện xuống dốc, ngồi học trong lớp không tập trung, còn nhiều lần ngủ gật trong lớp, học tập sa sút hẳn, công tác lớp trưởng không quan tâm, đi họp Đoàn về em cũng không triển khai kịp thời cho lớp thực hiện. Nhất là, trong tuần học đó, em nghỉ học liên tục 3 ngày liền mà không có giấy xin phép. Khi nắm bắt được thông tin tôi đã gọi điện liên lạc cho gia đình nhưng không liên lạc được (vì gia đình đã đổi số). Rồi đến ngày học thứ tư, Sơn cũng đi học lại. Nhờ làm công tác chủ nhiệm nhiều năm nên tôi rút được kinh nghiệm không nóng vội quy kết lỗi ngay, trong 15 phút sinh hoạt đầu giờ tôi gọi em đứng dậy, tôi hỏi: “vì sao trong 3 ngày liền em nghỉ học mà lại không có giấy xin phép?”. Em trả lời “dạ thưa cô, em bị ốm, nhưng do bố mẹ về quê lo công việc của họ hàng (trong tháng sau mới vào) nên không kí được giấy phép. Vậy tại sao bố mẹ em không gọi điện thoại cho cô để xin phép?  Em xin lỗi cô vì chỉ có máy mẹ mới có số của cô, nhưng máy của mẹ lại bị mất mà em thì chưa xin lại số của cô” và tôi đã tin điều đó là sự thật.

Nhưng tình trạng nghỉ học vẫn tiếp diễn ở hai tuần học sau đó, chỉ có điều Sơn nghỉ cách nhật là cứ ba ngày nghỉ một buổi và đều có giấy xin phép của phụ huynh (Nhờ chú ruột kí thay bố). Do tình trạng lặp lại nên tôi cũng nghi ngờ, tôi đã tìm hiểu được từ một bạn trong lớp cho biết rằng “bạn Sơn nghỉ học do ốm là nói dối, bạn nghiện chơi game rất nặng”. Khi ghe tin đó, nhưng tôi vẫn không tin, vì từ một học sinh ngoan, thật thà, biết nghe lời thầy cô, và đi học rất chuyên cần cỡ sao trong thời gian ngắn em thay đổi nhiều đến như vậy, lại nói dối tôi nữa. Sau đó tôi tìm hiểu sự việc để xác minh, tôi đã theo dõi mấy ngày liền ở các quán game gần trường trong những buổi Sơn nghỉ học và cuối cùng tôi cũng thấy Sơn ở đó. Lúc đó tôi chưa phát giác em mà vào tiết sinh hoạt lớp cuối tuần, tôi muốn xác minh sự trung thực của Sơn, tôi mời em đứng lên và hỏi; “em hãy cho cô biết trong tuần này em nghỉ học nhiều lí do đích thực là gì?. Em trả lời rất chững chạc “dạ do em bị ốm”. Và tôi hỏi thêm em rằng “vậy, em nghỉ học bố mẹ em có biết không?” Em trả lời rằng “dạ biết ạ!”. Nghe được câu trả lời này lòng tôi đau thắt khi biết rõ em đã nói dối, nên tôi không kìm được sự bực tức vì lòng tin của tôi bị xúc phạm. Lâu nay tôi đã đặt niềm tin ở lòng trung thực của em quá lớn. vì thế, tôi đã mắng em rất nặng lời. Nhưng vẻ mặt thản nhiên không một biểu hiện ăn năn hối cải, cũng không có một lời xin lỗi, tôi lại càng tức tối hơn, nên đã vạch lỗi nói dối của em trước lớp cho các bạn khác cùng biết, cũng để từ đó răn dạy những học sinh khác. Trống đánh hết giờ mà những lời giảng đạo đức của tôi cũng chưa dứt.

Sau buổi đó về nhà lòng tôi nặng trĩu, không ngừng suy nghĩ về tiết sinh hoạt, về em Sơn. Đến đêm tôi ngủ không được. Và ngày hôm sau (đúng ngày chủ nhật), tôi quyết định tìm đến nhà Sơn. Qua buổi trò chuyện với mẹ của Sơn tôi biết được gia đình của Sơn có kinh tế khá giả, trong nhà chỉ có hai chị em. Nhưng do bố mẹ  bất hòa và đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục để li hôn, cũng vì công tác hòa giải kéo dài 3 tháng nhưng kết quả không như ý‎ muốn của Sơn. Điều này đã làm Sơn mất hết tinh thần học tập. Vì thế đã lao vào chơi game, rồi để đến nghiện game lúc nào không hề hay biết.

Từ đó, tôi mới nhận ra rằng, lâu nay Sơn có những biểu hiện “tụt dốc” về cả nhân cách lẫn học lực là do vấn đề gia đình không yên ấm mà tôi thì lại không tìm hiểu cặn kẽ để cảm thông chia sẻ kịp thời, giúp em có điểm tựa tinh thần. Điều này làm tôi áy náy vô cùng, giá như mình bớt chút thời gian vào thăm gia đình sớm hơn, giá như Sơn được chia sẻ việc khó xử sớm hơn, giá như và giá như.

Sau đó tôi tìm cách tiếp cận để gần gũi em hơn, nhiều lần cô – trò tâm sự, gần gũi chia sẻ những buồn vui với em, tôi động viên em, phân tích cho em hiểu tác hại của nghiện game, những lẽ sống ở đời… Qua những lần tâm sự đó em đã cảm nhận được tấm chân tình cũng như những nỗ lực của tôi trong việc giúp em vượt qua những khó khăn mà em gặp phải. Ngoài ra, tôi còn phối hợp với nhiều học sinh trong lớp kèm cặp giúp Sơn học tập nắm chắc những kiến thức mà lâu nay Sơn bị hổng. Mặt khác tôi thường xuyên liên lạc với mẹ của em để cùng phối hợp giám sát việc học và sinh hoạt ở nhà, qua đó nắm bắt diễn biến tình hình. Chính những sự quan tâm gần gũi, giúp đỡ, động viên kịp thời của cô, gia đình và bạn bè trong lớp đã giúp em có động lực, Sơn bỏ được game và say sưa hơn trong việc học. Nhờ đó kết quả học tập của em Sơn tiến bộ theo thời gian, em đã đạt học sinh tiên tiến ở học kì I lớp 12 vừa qua. Và điều đặc là hai năm học tiếp theo Sơn tiếp tục được các bạn tín nhiệm bầu làm lớp trưởng, với cương vị lớp trưởng Sơn đã có nhiều đóng góp cho lớp, các thành tích của lớp, nhất là từ một tập thể được xem là lớp học cá biệt của trường cũng đã vươn lên tốp 10 trên tổng số 33 chi đoàn của toàn trường. Đạt được điều này đều nhờ sự nỗ lực phấn đấu không nhỏ của cá nhân Sơn cũng như tập thể lớp 10C1.

Qủa thật, công việc chủ nhiệm lớp thật không dễ, đòi hỏi mỗi thầy cô phải sáng tạo, trong từng thời điểm, có lúc là cô giáo, là người mẹ mẫu mực, có lúc lại như  một vị thẩm phán công minh, song có lúc lại như người bạn thân tình. Nhưng dù là ai trong số vai trò ấy thì sự cảm thông, chia sẻ kịp thời, tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm đầy chữ “tâm” của mình mãi là chìa khóa vạn năng có thể giúp bạn mở mọi cánh cửa tâm hồn khép kín bấy lâu, đó cũng chính là bí quyết thành công của bản thân trong công tác chủ nhiệm lớp.