THAM LUẬN “TUỔI TRẺ TRƯỜNG THPT ĐĂK SONG PHẤN ĐẤU HỌC TẬP VÌ NGÀY MAI LẬP NGHIỆP”

Lượt xem:

Đọc bài viết

drawing_pen

Như chúng ta đã biết, học tập là một quá trình tiếp thu không ngừng nghỉ và không bao giờ là đủ. Ta nói “học không ngừng nghỉ” là bởi thế giới chúng ta thay đổi không ngừng, hàng ngày, hàng giờ, thậm chí là từng phút, đều có những kiến thức mới được tạo ra, những công trình mới được xây dựng, những vùng đất mới được khám phá… Có thể ví sự học như một con đường không có đích đến. Và cho dù ta đã thấy cái đích ấy thì ta vẫn không bao giờ có thể bước qua được nó, bởi những gì mà nhân loại, mà con người biết đến trong vũ trụ này chỉ như một hạt cát giữa sa mạc mênh mông với những điều chưa biết. Thế nhưng, không ít người  lầm tưởng rằng họ đã đến được cái đích ấy hay cho rằng, đi đến một điểm nào đó trên con đường ấy là đã đủ rồi. Nhưng những người đó nào biết rằng, mỗi phút giây họ dừng lại là hàng triệu người phát đã, đang và sẽ vượt lên trên họ. Đến một lúc nào đó, khi họ đã tụt lại ở quá xa với những người khác thì họ sẽ phải bị đào thải khỏi xã hội mà họ đang sống. Học tập giúp chúng ta có được những kiến thức, kĩ năng ứng xử tối thiểu, cần thiết để hòa nhập, thích nghi với xã hội, với các mối quan hệ phức tạp trong cuộc sống.

Học tập quan trọng là vậy, thế nhưng vẫn còn một bộ phận không nhỏ giới trẻ nói chung, học sinh nói riêng, vẫn chưa hiểu được cái cốt lõi ấy. Đáng nói đến ở đây là tình trạng học đối phó, học vẹt, học tủ, học thành tích… Những kiểu học này xuất phát từ suy nghĩ “không tình nguyện”, bị ép buột, học không phải để biết mà học chỉ để thi, học để lấy điểm tốt, làm đẹp học bạ, làm vừa lòng các bậc phụ huynh…Biểu hiện của việc học đối phó này rất phổ biến, như làm bài tập ở nhà theo kiểu đối phó, chép lời giải ở sách mẫu, chép đủ, chép hết để sáng mai lên lớp thầy cô kiểm tra. Hoặc ngày mai có kiểm tra, thì tối nay bắt đầu thức đêm, cày kiến thức, để mong sao ngày mai không bị điểm kém. Khi thi xong thì coi như kiến thức cũng theo gió trời mà bay. Và cuối cùng thì “chữ thầy thầy giữ”, còn trò thì học xong quên hết, hổng kiến thức nặng. Chỉ vì lối học đối phó đó mà sẽ dẫn đến không biết bao nhiêu hệ lụy xấu cho chúng ta trong tương lai sau này. Nó không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mỗi học sinh mà còn ảnh hưởng đến xã hội.

Việc cấp thiết bây giờ của mỗi học sinh trên ghế nhà trường – chúng ta – là cần phải xác định và chấn chỉnh mục đích học tập của mình, phải có phương pháp học tập hiệu quả, hợp lí. Xây dựng phương pháp học cũng giống như những kĩ năng đầu tiên mà người thợ phải làm khi bắt tay xây dựng một toà nhà – tạo dựng nền móng kiên cố để xây các tầng lầu cao hơn. Nó tiếp bước cho sự thăng hoa những gì nâng cao hơn, khó hơn đối với bạn. Một học sinh khi đã có phương pháp học tất việc lĩnh hội kiến thức sẽ dễ dàng, việc học đối với họ không còn là gánh nặng đeo bám họ suốt mười mấy năm trời. Chính phương pháp học sẽ làm vũ khí lợi hại giúp họ tiến xa hơn trong tương lai.

Nhận thức được điều đó, ngay từ khi bước chân vào cổng trường THPT Đắk Song, cá nhân tôi cũng như tập thể các Đoàn viên thanh niên Chi đoàn 10B9 năm học 2015 -2016 và nay là Chi đoàn 11B1 dưới sự dìu dắt của thầy giáo chủ nhiệm Lê Văn Thịnh đã xây dựng cho mình một phương pháp học tập, mà hiệu quả của nó đã được chứng minh qua kết quả học tập của tập thể lớp chúng tôi trong năm học vừa qua như sau: Với 15 học sinh đạt danh hiệu HSG toàn diện và 15 học sinh đạt danh hiệu học sinh tiến tiến, lớp 10B9 của chúng tôi đã đạt giảiNhất phong trào thi đua học tập toàn trường. Bên cạnh đó, số huy chương và giải thưởng đạt được qua các cuộc thi cũng không hề kém cạnh bất cứ Chi đoàn nào khác trong trường (Olympic cấp tỉnh 3 vàng, 1huy chương bạ, 1 huy chương đồng; Olympic 30/4 đạt 1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng; Violympic cấp tỉnh 1giải ba; IOE cấp tỉnh 2 giải ba).

Để đạt được những thành tích trên, tôi xin được chia sẻ một số phương pháp học tập có hiệu quả của tập thể 10B9 chúng tôi như sau:

Đối với cá nhân, đầu tiên là phải đề cao tinh thần tự học, tự trau dồi kiến thức cho bản thân bằng cách tìm hiều, nghiên cứu thêm sách báo, sách tham khảo, tự làm thêm các bài tập. Đồng thời, cũng phải biết sắp xếp thới gian học bài cũ, làm bài tập tập về nhà và chuẩn bị cho bài học tiếp theo sao cho hợp lí. Và quan trọng nhất là phải tự đặt ra mục tiêu phấn đấu cho bản thân và tìm ra phương pháp hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu ấy.

Đối với tập thể, Chi đoàn chúng tôi luôn nêu cao tình thần tương thân tương ái, giúp đỡ, bảo ban nhau trong học tập. Phong trào Đôi bạn cùng tiến và việc lập ra các CLB học tập, cán sự lớp theo bộ môn cũng đạt được kết quả tốt, có thể giúp những bạn học lệch, học yếu cải thiện rất nhiều. Bên cạnh đó, dưới sự chỉ bảo hướng dẫn tận tình của GVCN và sự quan tâm của Đoàn trường, Cán bộ lớp cũng nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc đôn đốc các thành viên của lớp học tập và rèn luyện.

Có thể khẳng định để đạt được những thành tích kể trên là cả 1 sự nỗ lực cố gắng của toàn tập thể!

Bùi Hồ Khành Uyên (Lớp 10B9, NH: 2015 – 2016)