Truyện ngắn: CHÂN ÁI CỦA TÔI (Kim Ánh)

Lượt xem:

Đọc bài viết

    Ngày hôm ấy trời xanh thẳm, từng tia nắng  dịu nhẹ len lỏi xuyên qua từng kẽ lá chiếu lên giọt nước mang vị mặn trên khuôn mặt của mỗi học sinh, óng ánh. Ngày hôm ấy, có những đôi mắt… rất ướt. Chúng tôi, cuối cùng đã trưởng thành rồi; tháng năm rực rỡ ấy mãi mãi trôi qua. Tôi cứ nghĩ quãng thời gian ấy như là một sự hào sảng nhất thời của bản thân. Hóa ra, đó không chỉ là sự hào sảng, hơn thế nữa đó là chân ái, là thứ tươi đẹp duy nhất của thanh xuân vườn trường mà sau này tôi có dùng mọi thứ cũng không thể đánh đổi được.

    Thầy bước vào lớp, tay xách cặp, đi một vòng lớp rồi cất tiếng hỏi, vẫn câu hỏi như mọi khi “Lớp hôm nay có vắng không các em?”. Cả lớp chúng tôi đồng thanh trả lời “Không vắng ạ!”,thầy sau khi nghe câu trả lời, gật gù đầu rồi nói “Vậy là tốt. Các em chỉ còn hai tuần để chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp sắp tới. Thời gian không còn nhiều các em nên tập trung ôn tập thật tốt. Việc thi tốt nghiệp rất quan trọng, nó quyết định đến tương lai các em sau này vậy nên cố gắng mà học”, nói xong thầy đặt cặp xách xuống bàn rồi đặng quay lên bảng viết đề bài, chúng tôi bắt đầu học bài mới. Dáng dấp thầy vẫn vậy, dáng người cao cao, thân hình hơi mũm mĩm một chút. Thầy Nghĩa, thầy dạy hóa của chúng tôi đấy! Tôi và các bạn của tôi đã gắn bó, cùng nhau đi qua chặng đường THPT có thầy đồng hành cùng chúng tôi. Trong tâm trí của tôi bóng dáng thầy là thứ gì đó rất đỗi quen thuộc, lẽ cũng bởi vì thầy chính là giáo viên mà tôi yêu quý bấy giờ và hiện tại cũng như về sau vẫn thế. Người ta thường nhớ rõ về những gì người ta thường bận tâm, tôi cũng vậy, tôi bận tâm về môn Hóa học – một môn cũng có thể coi là nỗi ám ảnh của học sinh đặc biệt là hóa học hữu cơ – Cùng lúc thầy là người dịu dàng và rất tận tâm trong công cuộc giảng dạy, không hiểu chỗ nào thầy đều giảng lại rất kĩ càng và tỉ mỉ, điều đó cũng làm chúng tôi yêu quý thầy hơn. Thầy vui tính lắm! Thầy hiền lắm! Thầy chẳng đánh mắng chúng tôi bao giờ, điều đó cũng làm cho chúng tôi cảm thấy thoải mái hơn trong tiết học của thầy. Thời gian dần dần trôi kéo theo đó nó cũng đã nhuộm màu cho mái tóc đen ngày nào của thầy giờ đây đã trở nên chấm bạc. Thời gian là thứ gì đó rất khốc liệt, thực thực vô vô, thoắt cái liền đem theo những điều tốt đẹp của con người đã trải qua đem đi mất giống như ngọn gió đi qua, thổi vào khoảng trời không vô tận, ngoảnh lại không còn gì nữa rồi. Thầy tôi theo con đường của thời gian ấy như là chạy đua với chúng vậy, khóe mắt thầy, khuôn mặt thầy đã xuất hiện những nếp nhăn tự bao giờ. Đôi mắt biết cười ấy vì những tế bào biểu bì bị lão hóa dần mà cùng nhau dồn lại xô dần về một chỗ, trông mắt thầy sâu hơn nhưng đó lại là sự biểu hiện của lão hóa, là dấu hiệu của tuổi già đang ngự trị trên người thầy. Thầy đã bước qua tuổi ngoài tứ tuần rồi, thời gian đã cướp đi những nét trẻ đẹp của thầy. Đúng rồi, thời gian không đợi chờ một ai cả dẫu nó có làm cho thầy tôi ngày một già đi hay về sau có dấu hiệu bệnh của người cao tuổi đi chăng nữa thì vẫn không thể nào dập tắt đi tinh thần và lòng nhiệt huyết trong công cuộc giảng dạy của thầy. Nó không là vấn đề gì quá to lớn. Có điều tôi chỉ tiếc rằng sao thời gian trôi quá nhanh, chỉ không bao lâu nữa thôi tôi sẽ không còn được ngồi học tại mái trường này, lớp học này; không còn những ngày tháng cười đùa với bạn bè đặc biệt là mỗi tuần ba tiết, mỗi tiết 45 phút. Đều đặn. Cơ hội được ngắm nhìn bóng dáng thầy chúng tôi, ngắm nhìn những chiếc áo sơ mi chấm bi nho nhỏ, cái chìa khóa xe dắt trên đai hông quần hay cái giọng nói trầm khàn đôi khi có phần chậm chạp, đều không còn nữa rồi…

    Thước phim thời gian dần dần lùi lại, tôi nhớ vào ngày trước khi thi cuối học kì II của năm lớp 10 một tháng trước đó. Nghe tin thầy chuyển công tác, được điều động dạy tăng cường cho học sinh trường trong – THPT Lương Thế Vinh – Tôi đã rất buồn và hụt hẫng. Ngay ngày sau đó có tiết của thầy khi thầy bước vào lớp thì tôi đã lập tức hỏi thầy về việc chuyển công tác “Thầy ơi, thầy sắp chuyển đi ạ? Thầy sẽ không dạy chúng em nữa ạ?’’, trong lòng tôi rất hồi hộp, tôi sợ thầy sẽ không dạy chúng tôi nữa, tôi sợ tôi sẽ không còn được gặp thầy nữa. Trước câu hỏi của tôi thầy gật đầu. Tôi như vỡ òa nhưng chỉ biết cố gắng kiềm nén những giọt nước mắt nóng hổi đang từ từ chảy ra từ khóe mắtt, tôi không hiểu vì sao mình lại xúc động đến thế, không hiểu sao bản thân lại rơi vào trạng thái như thể đối mặt với sự chia ly giữa người thân vậy. Thấy tôi khóc, thầy liền nói “Thầy có đi luôn đâu mà các em sợ. Chỉ vô dạy tăng cường một tháng thôi rồi sẽ về”, nghe thầy nói lòng tôi cũng đã được trấn an đi phần nào, bạn cùng bàn tôi vỗ vai tôi và an ủi tôi nín đi bạn ấy cũng buồn như tôi vậy. Mắt tôi dần dần khô lại, không khóc nữa rồi. Chúng tôi lại như mọi ngày, tiếp tục vào bài mới. Tiết học cũng dần trôi qua và kết thúc. Chuông reo tan học, báo hiệu kết thúc tiết 5. Sau khi được sự cho phép ra về của thầy, các bạn tôi lao ra ngoài như ong vỡ tổ rồi chạy như bay xuống lầu vì lo sẽ chậm xe buýt. Tôi cũng bước dần ra khỏi lớp, thầy đi sau bỗng xoa đầu tôi, cười hiền từ. Tôi cũng cười đáp thầy rồi cũng như chúng bạn, chạy như bay xuống lầu, không phải vì tôi sợ trễ xe buýt mà bởi vì ngượng quá, lúc nãy tự nhiên khóc, bỗng nhiên bây giờ lại thấy có điều hơi… “quê quê”. Phải rồi chúng tôi mỗi học sinh đều có hình mẫu thầy cô lí tưởng, có thần tượng của riêng mình. Tôi cũng vậy, tôi thần tượng thầy bởi vì…chẳng bởi lí do nào cả, con người mà! Thật vậy, con người ta đôi khi thích một điều gì đó, sùng bái thứ gì đó hay ai đó đôi khi không phải vì nó đẹp, nó tốt hay xấu, hay nó cao quý mà chính là chẳng có lí do nhất định nào đó cả. Thế mới hay chứ!.

    Năm học mười hai cuối cùng cũng đã kết thúc. Chúng tôi nôn nao đón lễ tốt nghiệp, biết bao vô vàn cảm xúc hiện diện trong mỗi học sinh. Có lẽ lễ tốt nghiệp hôm ấy là ngày chia tay xúc động nhất. Chúng tôi đã cùng nhau trải qua những tháng năm tươi đẹp nhất của tuổi học trò, cùng nhau trải qua cái thời kì mơ mộng nhất. Cuối cùng cũng phải kết thúc tháng ngày ấy rồi, cuối cùng đã đến lúc nói lên câu giã từ, cuối cùng chúng tôi đã phải trưởng thành lên rồi. Cùng nhau nói lời chào tạm biệt mái trường, thầy cô, lớp học, dãy ghế tất cả đều tựa như xa lạ khi ấy mà giờ đây sao quen thuộc đến nhường nào. Chúng bạn tôi khóc. Con gái chính là dạng sinh vật nhạy cảm nhất. Khóc thút thít. Phải thôi, ai đứng trước sự chia ly đối mặt với chính nó ít nhiều cũng sẽ vì nó mà rơi nước mắt bởi vì chúng tôi trân trọng nó. Tôi cũng như những người có trái tim mềm yếu khác, nước mắt cũng vì thế mà rơi xuống, cảm nhận được vị mặn trong nó. Con người ai cũng như ai, muốn tìm chỗ dựa dẫm để bản thân không phải lăn lộn giữa đời. Nhưng một khi ta đã quen có chỗ dựa, một ngày chỗ dựa đó gục ngã, biến mất hoặc rời ta đi, lại phải nhờ cậy chính mình; cuối cùng chúng tôi chính là phải tự mình bước đi mà không còn được phụ thuộc vào bất kì ai nữa, thầy cô – những người lái đò, đã dìu dắt chúng tôi đến bến đò rồi; con đường phía trước chính là chặng đường còn lại của bản thân, tự lực cánh sinh mà tiếp tục bước hết đến cuối chặng đường đó.

    Hoa ven đường nở như gấm, mạnh mẽ như tường vi, tất cả đau đớn cuối cùng cũng quay về, bạn đột nhiên phát hiện ra, tất cả những thứ trải qua trong tuổi thanh xuân, dù là đau đớn, dù là buồn thương, vẫn đẹp đến nao lòng. Trong tuổi xuân đó luôn có hai chữ sáng lấp lánh, bạn nhìn kĩ thì ra là hai chữ: bất hối. Ngày hôm đó, tôi đưa mắt tìm kiếm bóng dáng người thầy tôi yêu quý trên hàng ghế đá của các thầy cô, tôi nhìn thấy thầy; tôi mỉm cười và nói nhỏ như có như không “Thầy ơi, cuối cùng chúng em đã trưởng thành rồi!”.

–Trần Thị Kim Ánh, lớp 11 A6

(Tác phẩm đạt giải nhất thể loại Truyện ngắn cuộc thi “Viết về Thầy Cô và Mái Trường”)